
Nhạc Sped Up, Remix Đã Gây Ảnh Hưởng Tới Âm Nhạc Thế Giới Như Nào? Liệu Chúng Còn Bị Ghét Bỏ Như Trước?
Nếu bạn đã từng sử dụng TikTok hoặc các dịch vụ phát nhạc trực tuyến thì chắc chắn bạn đã bắt gặp các bài hát được tăng tốc (Sped Up); Thể loại được gọi là “nightcore” và nó đang chiếm lĩnh mạng xã hội, đồng thời giúp đưa các bài hát và nghệ sĩ trở thành ngôi sao. Nhưng các bài hát tăng tốc này đã trở nên phổ biến trên TikTok và phản ánh thói quen của hàng triệu người nghe trên khắp thế giới như thế nào?
Các bài hát được tăng tốc thực chất cũng không phải là một điều hoàn toàn mới lạ. Ngược lại, chúng đã xuất hiện từ đầu những năm 1990 nhờ bộ đôi DJ người Na Uy Nightcore được coi là những người tiên phong trong việc tăng tốc các bài mà chúng ta hiện đang nghe thấy trên TikTok và các dịch vụ phát trực tuyến với tốc độ tăng từ 25% đến 30%, mang cảm giác tràn đầy năng lượng cùng vocal cao vút. Các sản phẩm của họ bắt đầu xuất hiện trên LimeWire và YouTube giúp phong cách độc đáo của họ đã thu hút được lượng người theo dõi đáng kể.
Vào năm 2011, nhạc nightcore đã trở thành một meme trên Internet sau khi bài hát "Rockefeller Street" từ Eurovision 2011 được xử lý theo phong cách nightcore và bất ngờ trở nên viral. Các thể loại khác nhanh chóng bắt đầu được coi là nightcore và thể loại này đã chuyển sang Soundcloud và tới giữa những năm 2010 chúng đã dần được sử dụng trong các sản phẩm âm nhạc của Djemba Djemba, Ryan Hemsworth và Nina Las Vegas.
Tại thị trường thế giới và cả Vpop cũng có thể nói đang dần tràn ngập những bản nhạc như vậy; Hầu hết những ca khúc viral trên các nền tảng mạng xã hội đều là phiên bản đã được remix, speed up chỉ được cắt gọn còn đoạn điệp khúc hay một hai câu hát bắt tai. Một điều dễ thấy chính là việc được phối lại và trở nên phổ biến góp phần lớn giúp sản phẩm được lan tỏa đến nhiều khán giả hơn, thậm chí là đưa những bài nhạc xưa cũ “hồi sinh” trở lại. Do đó, có thể nói rằng sự phát triển và mức độ phổ biến của các bài hát được tăng tốc là điều hiển nhiên vì tốc độ và số lượng nội dung là ưu tiên hàng đầu của TikTok. Bằng cách loại bỏ các khoảng break, ngắt quãng phức tạp của nhạc cụ và những khoảnh khắc chậm rãi trong bài hát, các bài hát tăng tốc sẽ cho người nghe tập trung vào cảm xúc thay vì ý nghĩa của bài hát và hình ảnh hiện có.
Tuy nhiên nhiều khán giả cũng cho rằng cách làm này có quá nhiều mặt trái khiến bản gốc bị lu mờ hoặc bị lãng quên khi công chúng đã quá quen thuộc với phiên bản mới. Lúc bấy giờ không ít nghệ sĩ, nhạc sĩ, producer từng bày tỏ quan điểm không thích việc một bài hát cứ phải remix, speed up để nó viral cũng như khó gọi chúng là hit vì không để lại giá trị lâu dài. Có những ý kiến còn cho rằng việc các DJ/producer trên TikTok, YouTube tự ý biến đổi một bản nhạc là hành động thiếu tôn trọng “chất xám” và thành quả lao động của chủ nhân sản phẩm gốc.
Nhưng tới thời điểm hiện tại, có vẻ như thị trường âm nhạc thế giới đang dần cởi mở hơn với dòng nhạc này; Nhiều nghệ sĩ và hãng thu âm đang tận dụng sự phổ biến của các bài hát được tăng tốc và phát hành các phiên bản như vậy của các bài hát ngay từ đầu và trong một số trường hợp; Họ thậm chí còn trả tiền cho những người tạo TikTok để sử dụng các bài hát đã tăng tốc trong video của họ và điều này có vẻ giống như một khoản đầu tư nhưng những bài hát lan truyền nhanh chóng đã chứng minh hết lần này đến lần khác là có tác động tích cực đến sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ.
Hơn nữa việc khán giả chủ động kiểm soát, phối lại những giai điệu mình đang nghe cũng là một dấu hiệu nổi bật của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong âm nhạc. Tương tự như thời kì bùng nổ các bản cover trên YouTube vào những năm 2000 hay thời đại streaming phát triển mạnh mẽ trong khoảng một thập kỷ qua, tất cả đều góp phần giúp các hãng thu âm quyết định nên tập trung đầu tư quảng bá cho ca khúc nào, giúp các nghệ sĩ trẻ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận công chúng và đều xuất hiện nhờ các bước tiến trong công nghệ.
Nghệ sĩ người Anh Raye đã giành được đĩa đơn đầu tiên đạt vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng Vương quốc Anh sau khi người hâm mộ tạo ra các phiên bản tăng tốc cho đĩa đơn "Escapism" của cô, khiến Raye phát hành đã phiên bản tăng tốc chính thức của ca khúc. Ngoài ra "Them Changes" của Thundercat, "Kill Bill" của SZA, "Bad Habit" của Steve Lacey và "Bloody Mary" của Lady Gaga cũng nhận được những phiên bản tăng tốc như vậy và chúng có tác động đáng kể đến mức độ phổ biến cho phiên bản gốc của các bài hát tương ứng trên các nền tảng phát trực tuyến.
Theo đó, các chuyên gia nhận thấy các bản remix, fake up không làm lu mờ hay thay thế bản gốc, ngược lại họ góp phần thu hút thêm sự chú ý của khan vào bản nhạc đó. Roneil Rumburg, nhà đồng sáng lập/CEO của Audius – một dịch vụ phát trực tuyến dựa trên công nghệ chuỗi khối cho biết: “Trên tinh thần khám phá, chúng tôi thấy các bản phân phối lại đã mang lại một lượng truy cập trở lại cho các bản nhạc gốc”. Một số ca khúc nhạc Việt gần đây nổi nhờ bản tăng tốc nhưng vẫn mang về cho bản gốc lượng nghe cao hơn có thể kể đến: “Thấy Tình” (Hoàng Thuỳ Linh), “GIAYPHUT” (kidsai), “Pháo Hoa” (Phí Phương Anh, MiiNa, RIN9), “Buồn Không Thể Buông” (MiiNa), “Bất Bình Thường” (WHEE!), “Mặt Mộc” (Ân Nhi, BMZ), “Không Yêu Cũng Ví Cô Đơn ” (Đỗ Hoàng Dương, Cody)…
Có thể nói mức độ phổ biến của các bài hát được tăng tốc trên TikTok là không thể phủ nhận; Hiện tại, mặc dù không phải nghệ sĩ nào cũng có hứng thú tham gia cuộc đua remix, speed up nhạc, nhưng không thể phủ nhận rằng sự chối bỏ mà nền công nghiệp dành cho các bản phối này trong quá khứ đã dần phai nhạt theo thời gian. Và ngoài ra mặc dù chúng có tác động tích cực đến sự nghiệp của các nghệ sĩ mới nổi và đã thành danh, nhưng vẫn còn phải xem liệu chúng có hại nhiều hơn lợi hay không. Nếu các hãng có thể chỉ cần tạo các phiên bản tăng tốc của các bài hát từ danh mục hiện có của họ và phát hành chúng trên TikTok, liệu họ có quan tâm đến việc phát triển các nghệ sĩ mới không?
(Theo Billboard Vietnam - Hypebot)