
Huyền thoại Tony Bennett đã từng nói về những chiếc bìa album của những năm 50 như những tuyệt tác thật sự, rằng “khi bạn mua một chiếc đĩa than, bạn sẽ cảm thấy như đang có trong tay một tác phẩm nghệ thuật của riêng mình”.
Thật vậy, những album artwork mang trong mình bản sắc của một sản phẩm âm nhạc không kém gì phần âm thanh. Có thể bạn sẽ không mấy quan tâm đến phần nhìn khi thưởng thức một album, nhưng bản thân những chiếc album cover luôn luôn có ý nghĩa, và có lẽ theo cách mà chính bạn cũng không ngờ tới. Những chiếc album cover thành công theo nhiều cách khác nhau, ở cả hình ảnh mà nó truyền tải lẫn nội dung; tâm trạng của người nghe và giai điệu của album có thể được thiết lập trước đó khi người nghệ sĩ đưa không gian âm nhạc của một album sang không gian thị giác, và đây cũng là cách mà nhiều người làm rõ những ý đồ nghệ thuật đằng sau tác phẩm âm nhạc của họ.
Trong những ngày đầu tiên khi âm nhạc bắt đầu được sản xuất và phân phối, những chiếc đĩa than chỉ đơn thuần được đặt trong những chiếc jacket màu xám đơn điệu. Phần hấp dẫn duy nhất của bất kỳ đĩa hát nào chỉ duy nhất có chính thứ âm nhạc nằm trong đó. Bạn sẽ không có cách nào để biết được một chiếc vinyl sẽ có “màu nhạc” ra sao ngoại trừ việc… trực tiếp nghe nó.
Vào năm 1940, một nhà thiết kế đồ họa trẻ tuổi tên là Alexander Steinweiss đã nảy ra ý tưởng thay thế các bìa album trơn đầy rẫy trên thị trường bằng những chiếc bìa màu, và từ đó anh đã phát minh ra khái niệm bìa album. Cover artwork đầu tiên mà ông thiết kế là album của Paul Robeson "Smash Song Hits của Rodgers & Hart" phát hành vào tháng 2/1940. Vào thời điểm đó, Steinweiss chính là art director của Columbia Records, và nhờ những nỗ lực này của ông, doanh số từ việc bán album đã được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, chỉ đến những chiếc đĩa nhựa 33⅓ rpm ra đời thì lịch sử của album cover mới chính thức được sang trang mới, khi loại giấy dày được sử dụng cho những chiếc đĩa đá đã không còn phù hợp cho những chiếc đĩa LP với đường rãnh mỏng và các công ty thu âm đã bắt đầu sử dụng những chiếc jacket gấp. Định dạng mới này được đánh giá là cực kỳ phù hợp cho những thử nghiệm nghệ thuật và cuối cùng dẫn đến việc ra đời những chiếc album cover như “Sticky Fingers” của ban nhạc The Rolling Stones.
Chiếc album artwork đóng vai trò như bước ngoặt đầu tiên và thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng ở Mỹ là chính là thiết kế của Capitol Records cho album “The King Cole Trio” của Nat King Cole - với phần artwork trừu tượng sống động cùng cây bass, guitar và bàn phím piano dưới một chiếc vương miện vàng. Bốn chiếc đĩa vinyl 78rpm nằm bên trong đã làm nên lịch sử, đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Best Selling Popular Record Albums vào tháng 3/1945. Album “The King Cole Trio” cũng đã dành phần lớn thời gian còn lại của năm trên những danh sách bestseller cùng những single đứng đầu các bảng xếp hạng lớn nhỏ.
Nat King Cole đã cho tất cả thấy rằng phần thiết kế của bìa album sẽ là một bước ngoặt văn hoá - một “cultural reset” hoàn toàn; đó là một trong số ít phương tiện có thể tiếp cận nhanh chóng đến hàng triệu người trong thời kỳ hoàng kim của radio và TV. Hơn nữa, ngành công nghiệp âm nhạc đang có những tác động lớn ở mức quốc tế vì nó chứng minh rằng những người làm nghệ thuật thị giác đã có một phương tiện mới để thể hiện sự sáng tạo và tính độc đáo của họ với toàn thế giới. Một loạt các nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm Andy Warhol, Roger Dean và Burt Goldblatt đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách thiết kế các bìa album.
Nhiều chiếc cover “đỉnh” nhất mọi thời đại đã gắn liền với thời kỳ hoàng kim của nhạc jazz và bebop sau chiến tranh. Jim Flora, người từng theo học tại Học viện Nghệ thuật Chicago, đã làm việc trong lĩnh vực quảng cáo trước khi chuyển sang bộ phận nghệ thuật của RCA Victor vào những năm 50. Những thiết kế của Jim Flora, với phong cách pha trộn giữa dòng tranh biếm hoạ và chủ nghĩa siêu thực đã gắn liền với tên tuổi của các album huyền thoại của Louis Amstrong và Shorty Rogers, hay những tuyệt tác phát hành hàng tháng của Big + Tram và Kid Ory And His Creole Jazz Band.
Không chỉ có nhạc jazz đi qua cuộc cách mạng về bìa album vào những năm 50. Vào đầu thập kỷ này, hầu hết nhạc rock được bán dưới dạng đĩa đơn 45 rpm, với album chủ yếu được sử dụng như một tập hợp các bài hát lại với nhau. Việc marketing chúng lại gắn liền với các bản phát hành ở rạp chiếu phim và hình ảnh cho các album - đặc biệt là các album nhạc phim - hầu hết đều đến từ các tấm áp phích, chẳng hạn như Jailhouse Rock. Đôi khi các album chỉ là những bức ảnh đẹp với phần chữ lettering, chẳng hạn như bức ảnh của William V “Red” Robertson cho Elvis Presley năm 1956.
Vào những năm 60, việc các ban nhạc đặt làm album cover từ những người bạn học trường vẽ hay các hoạ sĩ đã trở thành mốt, như The Beatles làm việc với Peter Blake và Richard Hamilton hay The Rolling Stones với Warhol và Robert Frank. Các nhà thiết kế trẻ quan tâm đến âm nhạc đã bắt đầu phát triển những hình ảnh đầu tiên gắn liền với rock’n’roll. Ở London, thế giới của nhạc rock song hành với lĩnh vực thời trang và mỹ thuật.
Album “Revolver” phát hành năm 1966 của The Beatles với cover art được thực hiện bởi Klaus Voorman chính là một bước đệm lớn trong nghệ thuật làm bìa album, với “With The Beatles” là một chiếc bìa đáng nhớ khác - nhưng không gì có thể sánh bằng những tác động to lớn của chiếc bìa album “Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band” làm bởi Blake và Jann Howarth. Bìa của album đó đã phá vỡ khuôn mẫu của những gì một chiếc bìa album có thể có, với phần âm nhạc và hình ảnh đi đôi và hoà hợp với nhau như một thực thể sáng tạo.
Việc “đối xử” với phần bìa album như một art concept từ đó đã bắt đầu thành hình trong tư tưởng của những người làm nghệ thuật, và các nhà thiết kế người Anh Storm Thorgerson và Aubrey Powell đã là những người đi đầu dòng chả này với công ty Hipgnosis. Một số thiết kế của họ đã trở thành những biểu tượng của âm nhạc thế kỷ 20, như chú lợn bơm hơi khổng lồ trên trạm điện Battersea ở London xuất hiện trên bìa album “Animals” của Pink Floyd hay hình ảnh những đứa trẻ khỏa thân ở bờ biển Giant’s Causeway cho “Houses Of The Holy” cho Led Zeppelin.
Với kỷ nguyên của những “celebrity photographers” bắt đầu lên ngôi vào những năm 70, những chiếc bìa album phù hợp có tác động rất lớn đến vận may của một ca sĩ - ví dụ như tác phẩm của họa sĩ minh họa và nhà thiết kế đồ họa người Pháp Jean-Paul Goude thực hiện với Grace Jones trong “Island Life” đã giúp biến Jones trở thành một siêu sao quốc tế. Một số nhiếp ảnh gia còn góp phần “định nghĩa” cho các album, và không có gì lạ khi các nghệ sĩ như Suede, Christina Aguilera và Madonna đã mời các nhiếp ảnh gia thời trang để chụp ảnh cho bìa album của mình.
Mặc dù sở hữu một bìa album đẹp hiển nhiên là điều mà nghệ sĩ nào cũng mong muốn, những bìa album thật sự đáng nhớ sẽ giúp ích rất nhiều về mặt thương mại. Vào những năm 70 và 80, các ban nhạc đã bắt đầu nhận ra cách để tăng khả năng “tiếp thị” cho âm nhạc của mình - bằng cách bán ra những vật phẩm merchandise và biến band của mình thành một thương hiệu qua những chiếc logo nổi bật, với những ban nhạc đi đầu xu hướng này là Chicago, Led Zeppelin, Santana, Def Leppard và Motörhead. Ngoài ra, các ban nhạc heavy metal cũng bắt đầu chú trọng rất nhiều vào phần hình ảnh và các linh vật góp phần làm nên tính chất của ban nhạc mình, với những ví dụ nổi tiếng nhất là Vic Rattlehead (Megadeth) và Eddie The Head (Iron Maiden).
Giờ đây, trong thời đại âm nhạc kỹ thuật số, nhiều người cho rằng các album cover art đã “xuống giá” và gần như chỉ tồn tại như một hình thức cần thiết trong quá trình phát hành nhạc. Các nền tảng như SoundCloud và Spotify vẫn yêu cầu nghệ sĩ tải lên phần ảnh bìa cùng với sản phẩm âm nhạc của họ và vì vậy album cover vẫn tồn tại cho đến thời điểm này, nhưng mục đích ban đầu của nó đã thay đổi.
Không phải tất cả các bìa album đều trải qua quá trình sáng tạo phức tạp. Mặc dù âm nhạc là một hình thức để thể hiện bản thân, nó cũng là một “món hàng”. Một số album cover hoàn toàn không liên quan gì đến phần âm nhạc mà nó đại diện cho - nhưng chúng đáp ứng nhu cầu của một số khán giả nhất định hoặc bên thứ ba (thường liên quan đến quá trình phát hành tác phẩm). Các album art giờ đây dường như chỉ xuất hiện như một hình ảnh thu nhỏ nhỏ đi kèm với âm nhạc của nghệ sĩ, chỉ tồn tại như một “sản phẩm phụ” của quá trình phát hành âm nhạc. Trước những bước chuyển đổi đáng kể của thời đại mới này, có vẻ như tầm quan trọng của bìa album cũng thu bé lại như kích thước của nó trên màn hình điện thoại của bạn.
Nhưng ngược lại, album cover art vẫn mang trong nó tầm ảnh hưởng to lớn, nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn cả trước đây. Với không gian mạng xã hội cùng những hình ảnh hỗn tạp và tất cả đều cố gắng nhồi nhét vào tầm nhìn trực tiếp của người nhìn, nó đã tạo ra một môi trường để chúng ta dễ dàng đánh giá một thứ gì đó qua phần hình thức của chúng.
Để có thể nổi bật giữa đám đông, các nghệ sĩ phải nghĩ ra các cách để “xoáy” phần hình ảnh của mình để thu hút ánh nhìn của người xem chỉ trong vài giây khi họ đang lướt màn hình. Đối với những người dùng nằm ngoài phạm vi của các nghệ sĩ họ được giới thiệu hoặc chỉ quanh quẩn với những gương mặt quen thuộc trên mạng xã hội, việc tìm hiểu về một tên tuổi hoàn toàn mới với họ có thể là một việc rất tốn nhiều năng lượng. Đây chính là lúc mà phần thiết kế thẩm mỹ sẽ bắt đầu làm công việc của nó - vì phần nhìn luôn luôn được kích thích trước phần nghe, nếu một nghệ sĩ không tạo được ấn tượng đầu lâu dài với những cover art của họ, sẽ khó lòng thuyết phục được người khác đi đến phần họ phải dùng đến thính giác để khám phá không gian nghệ thuật của mình.
Bên cạnh việc thuyết phục được những người nghe nhạc đơn thuần, phần ảnh bìa cũng có thể giúp các nghệ sĩ thu hút sự chú ý của các nhân vật trong ngành cũng như các A&R, những người phải sàng lọc hàng đống ca khúc được gửi đến hàng ngày tưởng như kéo dài đến vô hạn. Phần artwork nhạt nhòa hoặc yếu về mặt thẩm mỹ có thể chặn đứng sự quan tâm của họ, trong khi hình ảnh rõ ràng và nổi bật có nhiều khả năng tạo ấn tượng với họ rằng bạn là một nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm. Cover art thể hiện sự “nghiệp dư” hoặc thực hiện sơ sài có thể “ám thị” người nghe rằng chất lượng của thứ nhạc họ sắp nghe sẽ không cao - sự cảm nhận về chất lượng của một tác phẩm cũng là thước đo đánh giá mức độ quan tâm tới một nghệ sĩ và âm nhạc của họ.
Với việc gần như mọi người đều có thể thực hiện và sản xuất âm nhạc do giờ đây ai cũng tiếp cận được với công nghệ và dễ dàng kết nối được đến các cá nhân làm nghệ thuật khác, không có lý do gì để các nghệ sĩ không đầu tư cho phần hình ảnh chất lượng và đặc trưng để đi cùng phần âm nhạc của mình.
Do đó, cho dù album artwork của bạn đẹp đẽ tuyệt vời hay đáng gây tranh cãi, bìa album sẽ luôn mang trong bản thân mình sức mạnh để khơi dậy những cuộc đối thoại theo cái cách không khác gì thứ âm nhạc mà nó chứa đựng bên trong. Chúng là những biểu tượng hình ảnh vượt thời gian và đóng vai trò như ngưỡng cửa đầu tiên để đi vào thế giới của người nghệ sĩ và mang ý nghĩa quan trọng không kém gì quá trình sáng tạo đằng sau âm nhạc. Vì vậy, lần tới khi bạn lắng nghe một sản phẩm âm nhạc nào đó, hãy dành thời gian để chiêm ngưỡng và tìm hiểu phần hình ảnh đi kèm chúng và biết đâu bạn sẽ khám phá ra một chân trời ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ?
Read more

Vợ Chồng Tổng Thống Donald Trump Dương Tính Với Covid-19
Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump vừa mới công bố kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, chỉ một tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020.

Bộ Phim Tài Liệu Về Kanye West - "Jeen Yuhs" Hé Lộ Trailer Đầu Tiên
Mới đây Kanye West đã tung ra trailer mới cho bộ phim tài liệu sắp tới của anh - “ jeen-yuhs: A Kanye Trilogy”

Top 10 Album Của Năm 2021 - Bình Chọn Bởi Loop Central
Chưa đầy một tuần nữa là 2021 sẽ khép lại. Bạn đã nghe được những gì trong năm vừa qua?

Vượt Lên Trên Dư Luận, Tory Lanez Ra Mắt MV Đầy Cảm Xúc "Jokes On Me"
Tuy đang phải đối mặt với nhiều scandal thử thách, Tory Lanez vẫn không có dấu hiệu chùn bước trên con đường nghệ thuật.

Âm Nhạc Thực Sự Ảnh Hưởng Đến Cảm Xúc Con Người Như Thế Nào?
Bạn đã biết âm nhạc tác động đến bộ não như thế nào chưa?

Envy Club - Night Club Lớn Nhất Nhì Sài Thành Ngừng Hoạt Động Vì Ảnh Hưởng Của Covid-19
Envy Club - Night Club Lớn Nhất Nhì Sài Thành Ngừng Hoạt Động Vì Ảnh Hưởng Của Covid-19